Thứ Tư, 11 tháng 7, 2018

Tại sao Greenland là hòn đảo khổng lồ?

Xét về địa lý, điểm khác nhau duy nhất giữa đảo và lục địa là kích thước. Lục địa nhỏ nhất Australia, có tổng diện tích khoảng 7,6 triệu km2, vẫn rộng hưn nhiều so với hòn đảo lớn nhất. Ấy thế mà hòn đảo lớn nhất lại còn rộng gấp khoảng 40 lần diện tích nước ta. Đó là đảo gì vậy?


Kỷ lục về kích thước thuộc về đảo Greenland, lãnh thổ tự trị của Đan Mạch – 2.175.600 km2. Phía Bắc, Greenland giáp với Bắc Băng Dương; phía Đông, với biển Greenland; phía Nam, với Đại Tây Dương và phía Tây, giáp với eo biển Davis và vịnh Baffin. Thủ phủ của đảo là Nuuk.

Gần như nằm trọn trong Bắc Băng Dương, Greenland có địa hình và khí hậu rất khắc nghiệt. Ngoại trừ vùng duyên hải rộng khoảng 410.450 km2, bề mặt toàn đảo phủ một lớp băng, khá nhiều nơi là băng vĩnh cửu và sông băng. Ở một số nơi, lớp băng này dày tới 4.300 mét. Thời tiết trên đảo không ổn định, nhiều sương mù. Dòng hải lưu chạy dọc sườn Đông của đảo xuống phía nam cuốn theo những tảng băng lừng lững trôi, khiến cho việc đi lại trên vùng biển quanh đảo rất nguy hiểm.

Greenland không có rừng. Thực vật trên đảo đều là những loài “lùn tịt” như rêu, địa y, cỏ và lách. Động vật chủ yếu là gấu trắng, bò xạ, sói Bắc cực, thỏ rừng, tuần lộc.

Xấp xí 85% số dân cư trên đảo là người Inuit, số còn lại người Đan Mạch và người gốc Kavbaz (Capbase). Ngành kinh tế quan trọng nhất là nghề đánh bắt cá. Trong vòng 24 năm, từ năm 1953, Greenland là thuộc địa của Đan Mạch. Hòn đảo này đã giành được quyền tự trị vào năm 1979.